Nguồn chứng cứ là nơi chứa đựng chứng cứ. Tòa án chỉ có thể thu thập các nguồn chứng cứ để từ đó rút ra các chứng cứ cần thiết để sử dụng vào việc tìm ra sự thật vụ án và đưa ra quyết định đúng đắn để giải quyết vụ việc dân sự đó.

 Theo quy định tại điều 82 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì nguồn chứng cứ được quy định như sau:

“Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

  1. 1.     Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được;
  2. 2.     Các vật chứng;
  3. 3.     Lời khai của đương sự;
  4. 4.     Lời khai của người làm chứng;
  5. 5.     Kết luận giám định;
  6. 6.     Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
  7. 7.     Tập quán;
  8. Kết quả đánh giá tài sản;
  9. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.”

Với quy định này thì nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự chỉ được quy định trong 8 nguồn chính. Ngoài 8 nguồn chứng cứ này Tòa án không được sử dụng thêm bất cứ nguồn nào khác để thu thập làm chứng cứ cho việc giải quyết vụ việc dân sự. Tại khoản 9 điều 82 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định: “Các nguồn khác mà pháp luật có quy định” cần được hiểu đây là một quy định dự phòng của pháp luật chứ không phải là một quy định mở để Tòa án áp dụng trong quá trình thu thập chứng cứ giải quyết vụ án. Do vậy, cho đến khi pháp luật có quy định thêm một nguồn chứng cứ nào đó thì Tòa án chỉ được phép thu thập chứng cứ theo qui định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 82 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.

Tuy nhiên, không phải bất cứ tài liệu, dữ kiện nào được thu thập từ các nguồn chứng cứ cũng đều được xem là chứng cứ và được sử dụng vào việc giải quyết vụ án mà các tài liệu, dữ kiện này phải đảm bảo được các thuộc tính cơ bản của chứng cứ, đồng thời phải phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự về xác định chứng cứ.

Ví dụ: biên bản ghi lời khai của đương sự là một nguồn chứng cứ nhưng có những trường hợp toàn bộ lời khai đó là gian dối, bịa đặt thì lời khai đó không được coi là chứng cứ của vụ án.

Điều 83 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã quy định cụ thể về điều kiện xác định chứng cứ trong các nguồn chứng cứ như sau :

“1. Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận;

2. Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự liên quan tới việc thu âm, thu hình đó;

3. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc;

4. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa;

5. Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định;

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định và có chữ ký của các thành viên tham gia thẩm định;

7. Tập quán được coi là chứng cứ nếu được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận;

8. Kết quả định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định hoặc văn bản do chuyên gia về giá cả cung cấp theo quy định tại khoản 1 Điều này.”

Với quy định này của điều luật chúng ta thấy rằng : đối với loại nguồn chứng cứ là các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được khi có chứa đựng chứng cứ của vụ án; nếu là tài liệu đọc được nội dung thì phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền cung cấp, xác nhận; nếu là loại tài liệu nghe được, nhìn được (như băng đĩa ghi âm, ghi hình) thì phải xuất trình được văn bản xác nhận về xuất xứ của các tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, ghi hình đó; có như vậy thì các tài liệu đó mới được coi là có giá trị và được sử dụng làm chứng cứ chứng minh trong vụ án.

Đối với loại nguồn chứng cứ là vật chứng : vật chứng được pháp luật quy định là nguồn chứng cứ vì tồn tại trong chính bản thân nó là chứng cứ của vụ án, nó chỉ chứa đựng chứng cứ chứ nó không phải là chứng cứ.

Ví dụ : A kiện B đòi bồi thường chiếc xe bị hư – ở đây chiếc xe bị hư là vật chứng còn những hư hỏng của xe là chứng cứ.

Như vậy vật chứng phải luôn là hiện vật gốc có tính đặc định liên quan đến vụ việc dân sự thì mới có giá trị pháp lý. Nếu có sự sao chép, tái hiện lại vật chứng thì vật được sao chép đó không được xem là vật chứng. Do đó, quá trình thu thập vật chứng Tòa án phải đảm bảo các trình tự, thủ tục luật định và phải bảo quản, giữ gìn nhằm giữ được tính đặc định của vật chứng.

Đối với loại nguồn chứng cứ là tập quán : để một tập quán trở thành chứng cứ trong một vụ án củ thể thì người đưa ra tập quán đó phải trình bày rõ nguồn gốc của tập quán, phải chứng minh tính cộng đồng của tập quán đó bằng cách ghi nhận nó bằng văn bản, thể hiện việc cả cộng đồng dân cư nơi có tập quán thừa nhận, có chứng thực về nội dung của chính quyền địa phương nơi có tập quán về tập quán đó. Nếu không chứng minh được tính cộng đồng của tập quán thì nó sẽ không có giá trị chứng cứ.

Tuy nhiên cần chú ý là tập quán được sử dụng làm chứng cứ phải không được trái với các nguyên tắc của pháp luật, đạo đức xã hội và tập quán này chưa được ghi nhận hoặc cụ thể hóa trong luật. Nếu pháp luật đã ghi nhận tập quán đó bằng các quy định cụ thể thì phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết.

Ngoài ra các lời khai của đương sự, người làm chứng, kết luận giám định, biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ và kết quả định giá tài sản nếu được tiến hành đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và đảm bảo 3 thuộc tính của chứng cứ thì sẽ được coi là chứng cứ và được sử dụng để giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án.

Tóm lại, với quy định về chứng cứ, nguồn chứng cứ và xác định chứng cứ trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được phân tích ở trên cho thấy chứng cứ có vai trò rất quan trọng trong việc tìm ra sự thật khách quan của vụ án và để xác định chứng cứ nào là có thật giúp cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự đòi hỏi người Thẩm phán phải có trình độ nghiệp vụ, kiến thức xã hội và khả năng nhạy bén trong quá trình xác định, thu thập chứng cứ.

 

 (TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN 6, 26/06/2008)